Tìm Hiểu Note Hương Lilial 

Chào mọi người, gần đây trong cộng đồng nước hoa nổi lên vụ Lilial bị cấm bởi các nước thuộc khối EU, hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu về chất này nhé!

Bài viết là những kiến thức góp nhặt được từ trên mạng, hi vọng sẽ cho mọi người một cái nhìn tổng quan về một hoá chất sắp đi vào huyền thoại, các buyer thì biết mình nên mua gì, còn các seller thì có thêm câu trả lời cho câu hỏi:”Ủa em, sao chai chị mới mua của em mùi không giống chai cũ nhà chị?”

Lilial là gì?

Lilial (tên thương mại của lily aldehyde, còn được gọi là lysmeral) là một hợp chất hóa học thường được sử dụng trong nước hoa, các chế phẩm mỹ phẩm và bột giặt, dưới tên butylphenyl methylpropional.

Như mọi người đã biết, hoặc chưa biết, từ ngày 1/3/2022 theo quy định được ban hành trên tuần san chính thức của Liên minh Châu Âu (EU) xuất bản vào ngày 11/8/2020 về sự thích ứng với những tiến bộ kỹ thuật trong việc phân loại, dán nhãn và đóng gói (CLP), thành phần butylphenyl methylpropional (Lilial, BMHCA) được liệt kê vào mục Annex VI là một chất thuộc nhóm 1B có độc tính ảnh hưởng đến khả năng sinh sản cả nam và nữ cũng như sự phát triển của con cái họ.
Lệnh cấm này có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/3/2022.
Theo điều 15 của bộ luật quy định về mỹ phẩm của liên minh Châu Âu EU (CPR), nghiêm cấm các chất gây ung thư, gây đột biến gene, gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản trừ khi được cấp giấy phép miễn trừ.

Điều kiện miễn trừ cụ thể với các chất CMR thuộc nhóm 1A và 1B là:

– Tuân thủ các yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm trong quyết định (EC) No 178/2002;
– Không có sẵn những chất thay thế phù hợp;
– Ứng dụng những chất trong nhóm này với mục đích cụ thể và được mọi người biết đến rộng rãi;
– Được đánh giá là an toàn để sử dụng trong mỹ phẩm bởi Uỷ ban Khoa học về Sự an toàn của Người tiêu dùng (SCCS);
BMHCA không đáp ứng được các tiêu chuẩn miễn trừ. Không có hồ sơ miễn trừ nào của BMHCA từng được nộp. SCCS đã từng kết luận rằng việc sử dụng BMHCA trong mỹ phẩm là không an toàn (SCCS/ 1591/17).
Tất cả các sản phẩm có chứa BMHCA phải được rì mu khỏi các kệ mỹ phẩm trước ngày 1/3/2022.

Sự hạn chế một số hoá chất trong ngành công nghiệp mỹ phẩm có thể dẫn đến sự thay đổi công thức (reformulated) hoặc tệ hơn là ngưng sản xuất (discontinued). Bắt đầu từ năm 2005, những thay đổi lớn trong việc ngăn cấm những hoá chất có hại cho sức khoẻ con người đã khiến hàng loạt chai nước hoa rơi vào những tình trạng trên.

Mọi người sẽ đặt câu hỏi tại sao việc cấm chất này lại có ảnh hưởng quan trọng đến ngành công nghiệp mỹ phẩm? Lilial rất phổ biến trong nước hoa, đặc biệt vì nó tạo ra hương thơm rất giống với Lily-of-the-valley. Đồng phân đối quang (R) của nó có hương hoa rất nồng, gợi nhớ đến hoa anh thảo (Cyclamen) hoặc hoa Lily-of-the-valley (có một thời gian mình search trên mạng thì hoa này có tên Việt hoá là hoa linh lan, không biết có đúng không nên mình cứ để đúng tên tiếng Anh của nó nhé). Trong khi đó đồng phân đối quang (S) của nó thì không có mùi mạnh mẽ lắm. 

Vậy tại sao Lilial lại quan trọng? Nó là chất thay thế tốt nhất cho hương thơm cổ điển của hoa Lily-of-the-valley, Hydroxycitronellal (C10H20O2), chất này thì lại gây kích ứng da và bị hạn chế trong mức 0,1% – 3,6%. Nó là thành phần cấu tạo nên chai nước hoa vintage Diorissimo của Dior được chế tác bởi nhà pha chế đại tài Edmond Roudnitska (ông này cũng là nhà chế tác hương thơm Eau Sauvage khá được các ông, các chú thời xưa yêu thích). 

Hình ảnh hoa Linh Lan - Lily of the Valley

Theo tác giả Steffen Arctander, ông mô tả nguyên liệu này như sau:

“Ngọt ngào nhưng tươi mát, mang hương hoa xanh ngát mạnh mẽ và cực kỳ rạng rỡ nhưng đồng thời cũng rất dai dẳng. Bản thân nó là một chất tạo hương hoa tuyệt vời, nó cũng kết hợp rất tốt với những vật liệu tạo hương hoa khác, cũng như với xạ hương và hương gỗ.

Nó linh hoạt hơn nhiều so với Cyclamen aldehyde, việc sử dụng quá liều Lilial là gần như không thể. Tuy nhiên, Lilial cho hương hoa với nồng độ thấp hơn Hydroxycitronellal. Là một chất liệu thường thấy trong những hương thơm của hoa Ly (Lily), Lilac, Muguet, Orange Blossom, Mộc lan (Magnolia), Đậu Ngọt (Sweet Pea), Sứ (Frangipani); thuộc các nhóm hương Chypres, Orientals, base note gỗ hoặc xạ hương. 

Năm 2014, EU đã chính thức đưa Lilial vào danh sách sản phẩm bị hạn chế. Đồng thời, P&G cũng công khai tuyên bố sẽ cấm sử dụng Lilial vào năm 2016. Hai ý kiến được đưa ra đã gây ra phản ứng lớn từ ngành sản xuất hương liệu. Các công ty nước hoa lớn đã nghiên cứu và phát triển các sản phẩm thay thế để đối phó với tình trạng hạn chế sử dụng Lilial.

Danh mục những sản phẩm cần phải được loại bỏ và thay thế bằng lô sản xuất mới, dựa theo Fragrantica.
Danh mục những sản phẩm cần phải được loại bỏ và thay thế bằng lô sản xuất mới, dựa theo Fragrantica. 

Cách đây nhiều năm, BASF đã giới thiệu một sản phẩm mới có thể thay thế hiệu quả Lilial, Florosa, đơn giản trong sản xuất, thân thiện với môi trường và rẻ tiền là những lợi thế của sản phẩm thay thế này. Nó có mùi thơm tương tự như hoa loa kèn và aldehyde. Tên tiếng Anh của nó là Pyranol và Florol / Florosa, trong khi tên hóa học là 2- (2-methylpropyl) -4-hydroxy-4-methyltetrahydropyran, cùng công thức phân tử là C10H20O2. Hiện tại, P&G đã thay thế hoàn toàn Lilial bằng nó, và các công ty nước hoa khác cũng đang làm theo. Đặc biệt trong quá trình phát triển sản phẩm mới, người ta ưu tiên sử dụng Florosa.

Theo ước tính, mức tiêu thụ toàn cầu hiện nay của Lilial là khoảng 15.000 tấn, đang giảm dần trong những năm gần đây. Tuy nhiên, liều lượng Florosa đã vượt quá 3.000 tấn, tăng dần qua từng năm và mức tăng là rất lớn. 

Nguồn: Huỳnh Anh Vũ

Please follow and like us:
Pin Share

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

CAPTCHA ImageChange Image

Contact Me on Zalo